Vào một ngày giữa tháng 6, mình đã ngẫu hứng book vé đi xem EM VÀ TRỊNH, cũng có khá nhiều trải nghiệm. Xem xong, phần còn đọng lại nhiều nhất với mình đó chính là ÂM NHẠC và CẢNH TÌNH. Nhạc Trịnh trước giờ vẫn lay động lòng người như thế. Cảnh quay phim thì lại càng khiến mình thương nhớ!
Mục lục bài viết
Cái đọng lại là nhạc và cảnh tình thơ


Xem em và trịnh để cảm cái nhạc Trịnh buồn trong veo
Nội dung phim xoay quanh các tình tiết liên quan đến bóng hồng trong cuộc đời cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – Dao Ánh ( Ánh hướng dương – theo cách nhạc sĩ gọi người mình thương).
Cái ấn tượng đầu tiên khi xem EM VÀ TRỊNH đó là thứ âm nhạc da diết khó quên. Theo cảm nhận của riêng mình, thước phim này như 1 bản giao hưởng nhẹ nhàng, ngắt quãng, chân thực hoá về hoàn cảnh ra đời của những bài hát mà TRỊNH CÔNG SƠN đã sáng tác trong suốt cuộc đời làm nhạc của mình.
Mạch phim theo dòng hồi ức
Mạch phim rất tinh – kể theo dòng hồi ức. Mỗi bài hát xuất hiện theo chiều không gian và thời gian.
Đi đến mỗi địa điểm, nhắc đến 1 lời bài hát, mạch hồi tưởng của Trịnh Công Sơn lại hiện hữu lên đầy đủ, rõ nét và chân thực đến lạ thường.


Mạch phim theo dòng hồi ức
Trước tới giờ, mình đã nghe qua rất nhiều bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cũng đã đọc qua một vài thông tin về hoàn cảnh sáng tác bài hát. Nhưng mãi cho đến khi xem xong phim EM VÀ TRỊNH, mình mới hiểu hết được tại sao trong hoàn cảnh ấy, bài hát ấy lại ra đời.
Đi theo mạch chính của nhạc Trịnh là: nhạc lãng mạn – nhạc kháng chiến. Khi còn 18 đôi mươi, nhạc sĩ sáng tác nhạc tình, nhạc viết cho những người con gái mà người yêu. Nhưng kể từ khi đi qua chiến tranh, mất mát và đau thương, thấu hiểu được những nỗi thống khổ của con người, nhạc Trịnh bớt đi sự lãng mạn, bớt say, bớt tình.
Cái buồn, cái đau khổ cứ thế ám vào nhạc của người. Nhưng là nỗi buồn đẹp, buồn trong, buồn nhưng không khiến người ta chìm vào tiêu cực.
Không gian, cảnh quay EM VÀ TRỊNH khiến mình say đắm
Mình thích Đà Lạt, dù chưa 1 lần đặt chân đến. Nhưng qua những thước phim, qua những hình ảnh mà mình tìm xem khiến mình yêu Đà Lạt. Yêu cái bình dị, yêu cái thiên nhiên dịu dàng như nâng đỡ hồn người ở đây.
Những cảnh quay ở Đà Lạt cũng tình tứ hệt như tâm hồn và nhạc Trịnh vậy.
Một điểm sáng không gian làm mình mê đắm đó là góc hiên nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ô cửa sổ ở vườn nhà Dao Ánh. Không gian thiết kế chao ôi đúng là dành cho những con người lãng mạn, mê đắm tình yêu, đẹp và thơ đến lạ lùng.
Một không gian thích hợp để ngâm thơ, uống trà và đàn hát mỗi ngày. Góc hiên nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có hoa, có nắng, có cái tình, cái tự mà giữa thời chiến loạn lạc dường như đã bị phá huỷ. Cái góc hiên làm mình ấn tượng mãi. Mỗi cảnh quay đến góc hiên ấy, mình đều cố gắng quan sát thật kỹ, nhìn thật sâu. Chẳng có gì ngoài hoa, đàn, lời ca và tình cả, nhưng sao nó đẹp đến nao lòng vậy. Ước gì mình được sống ở đó!


Những không gian mộng mơ thơ thẩn
Chuyển cảnh, một góc nhỏ khiến mình cũng ngẩn ngơ không kém đó là ô cửa sổ hình tròn ở phòng Dao Ánh. Không biết dùng lời lẽ thế nào để mô tả nhưng đó là nơi tưởng chừng như chỉ có sự bình yên thôi. Bình yên đến lạ thường. Rằng nếu ngoài kia có bom đạn, có súng lửa thì sau ô cửa tròn xinh kia, sự yên bình vẫn nằm đó, chẳng gì lay chuyển được. Khung cửa nhỏ, có hoa, có tình, có những bức thư, có ánh mắt Dao Ánh. Nhất là vào những ngày mưa, nếu được nằm lười nhìn ra ô cửa tròn tròn ấy và nghe bản nhạc Trịnh thì còn tuyệt vời biết bao nhiêu!
Có lẽ vì cảnh say đắm, vì người tình thơ mà người ta hay gọi là “Huế thương”. Lần đầu tiên đặt chân đến Huế là hồi còn học lớp 11, mình chỉ được ghé qua, ăn bát bún bò Huế trên đường về Thanh Hoá. Ký ức về Huế không rõ ràng, nhưng hiện tại thì có 1 điều mình muốn, đó là ghé thăm Huế lần nữa.
Huế điềm đạm, và mang nét duyên thầm lặng. Người ta sẽ không thể nào nhìn ra cái đẹp của Huế bằng sự ồn ào, sôi nổi. Muốn cảm Huế, con người cũng phải trầm lặng theo.
Mình có đọc khá nhiều review trước khi đi xem, có khen, có chê, có người khuyên không nên xem vì nhạt. Nhưng theo quan điểm của mình thì, hãy đi xem đi các bạn! Cảnh đẹp, người xinh, nhạc tình, đáng xem chứ!
Giờ thì mình đã hiểu được đôi phần về hoàn cảnh ra đời của những bài hát đình đám mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sáng tác. Được cảm thêm về nhạc Trịnh và được thăm nhà Trịnh Công Sơn cùng Dao Ánh qua màn ảnh nhỏ.
“ Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và đời đã tha thứ cho nhau,…”
Theo dõi Blogcuaxu để cùng mình cảm, yêu thêm nhiều tác phẩm nghệ thuật hay nữa nhé!