Truyện ngắn lấy cảm hứng từ những mảnh đời lay lắt, khổ sở ở xóm Vũng – một xóm nghèo lạc hậu nằm ở tận cùng của vùng thôn quê, xung quanh là đồng ruộng, bờ tre…
BÀ KHÁI ĐIÊN
“Trời ơi cứu tôi, cứu tôi với…”
Âm thanh thảm thiết khiến lũ trẻ đang học cũng phải nhón người qua cửa sổ để hóng xuống sân trường. Bà Khái lại xuất hiện rồi, bà ta đang nằm ăn vạ dưới sân trường. Chẳng ai đánh đập gì, chỉ là cơn điên của bà ta tái phát. Bà Khái là một mụ đàn bà nửa điên dại nửa bình thường. Theo lời kể của mấy người ở xóm Vũng, hồi còn niên thiếu, bà ta là một người con gái xinh đẹp, có nhiều người mê mệt, tán tỉnh. Ở tuổi 16, bà ta phải lòng một người đàn ông, ăn nằm với hắn và có chửa. Nhưng hắn chối bỏ, không nhận con. Hắn tuyệt tình, bỏ đi nơi khác, cắt đứt mọi liên lạc. Thế là, kể từ đó, bà ta điên tình.
Bà ta không còn bố mẹ hay anh em gì cả, sống đơn độc một mình với đứa con trai bị người tình ruồng bỏ. Lạ kỳ thay, chẳng biết cho thiên chức làm mẹ thiêng liêng hay vì lý do bí ẩn nào đó, bà Khái điên nhưng vẫn có lúc tỉnh táo để làm lụng đủ tiền nuôi con lớn lên. Lúc tỉnh táo, bà Khái vẫn đi làm chăm chỉ, bà ta đi cấy thuê, gặt thuê, thu hoạch mùa màng thuê… Ai mướn gì, làm nấy. Nếu không gặp vào lúc bà ta lên cơn điên, chắc chẳng ai biết bà ta là một người đàn bà điên.
Nhưng nếu một ngày có 24 giờ, bà ta sẽ lên cơn điên 20 giờ. Lúc lên cơn, bà Khái thường tới những nơi đông người nằm vạ vật, la hét, ăn vạ, thậm chí có lúc còn đánh người. Bà ta hay đến sân trường, lớp học, đến cổng chợ, đến các ngã năm ngã bảy nằm đó khóc la cả mấy tiếng đồng hồ. Chẳng ai dám lại can ngăn, vì hình như ai cũng sợ người điên.
Lạ kỳ là bà ta có rất nhiều dáng vẻ khác nhau khi điên!
Có lúc, bà ta điên rồ dại, quấy phá, la hét, chửi rủa như thể đang bộc phá ra hết những tủi hờn, những đắng cay vì bị người tình ruồng bỏ. Đã mấy chục năm trôi qua, nhưng cái uất hận của một cô gái tuổi 16 bị bội tình vẫn âm ỉ, vẫn rỉ máu không thôi. Sự đơn độc khiến bà ta phải hét lên mới thoả mãn được.
Có lúc, bà ta điên trong thầm lặng. Bà ta cười ngờ nghệch, mắt đờ đẫn nhìn xa xăm, ngồi ôm gối thu mình lại một góc, không la lét, không chửi rủa. Bà ta cứ ngồi ngẩn ngơ như thế mấy tiếng đồng hồ, rồi bỗng dưng hết cơn điên loạn. Phải chăng, khi ấy, bà ta đang hoài niệm về người đã rời bỏ, đang nghĩ về những ký ức đẹp đẽ bên hắn ta?
Người ta đã quen dần với sự điên nửa vời của bà Khái. Chẳng ai đụng đến khi bà ta điên. Cũng chẳng ai muốn giúp đỡ đứa con của bà ta. Đứa trẻ có một người mẹ điên và một người cha đốn mạt ruồng bỏ ấy đã 17 tuổi, nhưng nó không được đi học. Nó bị mấy đứa trẻ con xóm cô lập, chẳng ai muốn làm bạn với một đứa trẻ có người mẹ điên. Lúc bà Khái ở trạng thái bình thường, nó cũng được sống cùng mẹ, ăn uống đầy đủ. Nhưng lúc bà Khái lên cơn điên, nó lại bị bỏ đói, vì lúc điên, bà ta đâu còn nhớ ra mình có một đứa con. Dần dần nó quen với cuộc sống đầu đường, xó chợ, không bạn, không bè.
Sự ruồng bỏ, sự vô trách nhiệm của một gã đàn ông đã để lại 2 cuộc đời bất hạnh: một người phụ nữ hoá điên, một đứa trẻ thất học.
Những câu hỏi lớn được đặt ra, bao giờ bà Khái hết điên? Bao giờ đứa con của bà Khái được tới trường học?