Bí quyết học tốt môn Văn – chia sẻ chân thực từ học sinh giỏi quốc gia Ngữ Văn – Phần 1

by Hương Xu
160 views

Mình đã có 7 năm chinh chiến với các kỳ thi chọn học sinh giỏi văn (từ lớp 6 đến lớp 12). Mình đã dành được đủ các loại giải ( cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia – giải Nhất – Nhì – Ba – Khuyến Khích). Và đâu là bí quyết giúp mình giữ chuỗi học sinh giỏi Ngữ Văn nhiều năm như vậy? Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ tất tần tật cho các bạn. Mình đã mất hơn 7 năm để nghiệm ra, các bạn chỉ cần áp dụng thôi!!!

Hãy xem văn học là miền đất bí mật để giải bày tâm tư

Khi bạn xem văn học là người bạn tâm giao, là nơi giải bày cảm xúc, bạn sẽ thấy, mỗi lần đặt bút xuống viết văn là một lần được tâm tình với chính mình. Khi bản thân tìm được sợi dây kết nối với những con chữ, với những hình tượng trong văn học, bạn sẽ thấy, hành trình chinh phục văn học là hành trình đầy thú vị, là nơi cảm xúc được đánh thức, nơi tâm hồn bạn được chữa lành đôi phần và trái tim bạn ấm áp thêm biết bao nhiêu. 

Mình có một thói quen viết lại mọi xúc cảm của bản thân, dùng ngôn từ lưu lại cảm xúc, dùng ngôn từ vỗ về chính mình. Đó là con đường đến với văn học một cách tự nhiên nhất. 

Đừng tự áp lực bản thân phải học thuộc bài thơ này, phải ghi nhớ thông tin về tác giả kia, hãy thử tìm xem trong bài thơ ấy có tâm tư gì kết nối với bạn, xem cuộc đời tác giả kia có gì gần với trái tim bạn. 

Xem văn học là miền đất bí mật để giải bày tâm tư

Xem văn học là miền đất bí mật để giải bày tâm tư

Đừng tự bó hẹp vốn đọc của mình

Bên cạnh các tác phẩm trong chương trình sách giáo khoa, hãy chủ động mở rộng vốn đọc của bản thân bằng cách tìm hiểu thêm các tác phẩm ngoài chương trình. Nhưng hãy nhớ đọc có chọn lọc, đừng ôm đồm tràn lan. Lựa chọn tác phẩm đọc ngoài chương trình, hãy thử áp dụng theo các hướng sau:

  • Đọc thêm các tác phẩm đồng tác giả trong một thời kỳ hoặc theo một thể loại, chủ nghĩa: học Chí Phèo, hãy đọc thêm Sống Mòn, Đôi Mắt…
  • Đọc thêm các tác phẩm viết về một đối tượng, ví dụ các tác phẩm cùng viết về tri thức nghèo: đời thừa, những truyện không muốn viết, giăng sáng…
  • Đọc thêm tư liệu về thời đại tác giả sống và sáng tác
  • Đọc thêm những lời bình của các văn sĩ nổi tiếng về tác giả/tác phẩm

Muốn viết hay, muốn có vốn từ phong phú, chỉ có một cách tích lũy đó là đọc nhiều, viết nhiều. Đọc nhiều và đọc đúng sẽ giúp bạn nghiễm nhiên ngấm đẫm cách dùng từ, dùng câu phù hợp và đắt giá. 

Nhìn tác phẩm và vấn đề nghị luận đa chiều – tư duy ngược

Trong hành trình khám phá vẻ đẹp của văn chương, việc tiếp cận một tác phẩm không chỉ dừng lại ở việc nắm bắt nội dung cốt truyện hay những giá trị bề mặt. Để thực sự “sống” cùng tác phẩm và khai thác những tầng ý nghĩa sâu xa, mình luôn áp dụng tư duy đa chiều và đôi khi, cả tư duy ngược.

Nhìn nhận đa chiều: Phá vỡ lăng kính một màu

Thông thường, khi tiếp cận một tác phẩm, chúng ta có xu hướng hình thành những nhận định ban đầu dựa trên cảm xúc cá nhân, những kiến thức đã có hoặc những ý kiến chủ đạo được truyền đạt. Tuy nhiên, một tác phẩm văn học chân chính luôn chứa đựng nhiều lớp nghĩa, nhiều góc nhìn khác nhau. Tư duy đa chiều giúp chúng ta:

  • Xem xét vấn đề từ nhiều khía cạnh: Thay vì chỉ nhìn nhận sự việc dưới góc độ của nhân vật chính diện, hãy thử đặt mình vào vị trí của nhân vật phản diện, của những người bị ảnh hưởng bởi câu chuyện. Điều gì đã thôi thúc hành động của họ? Góc nhìn của họ về sự kiện là gì?
  • Nhận diện sự phức tạp của nhân vật và vấn đề: Con người và cuộc sống vốn dĩ phức tạp, không phải lúc nào cũng có thể phân định rạch ròi đúng – sai, tốt – xấu. Tư duy đa chiều giúp chúng ta nhận ra những mâu thuẫn nội tại trong nhân vật, những khía cạnh đa diện của vấn đề nghị luận.
  • Khám phá những ý nghĩa tiềm ẩn: Đôi khi, thông điệp sâu xa của tác phẩm không nằm ở những gì được nói ra trực tiếp mà ẩn chứa trong những chi tiết nhỏ, những mối quan hệ phức tạp giữa các nhân vật, hoặc thậm chí là sự im lặng. Tư duy đa chiều giúp chúng ta “đọc” được những “khoảng trắng” đó.
Nhìn nhận đa chiều phá vỡ lăng kính một màu

Nhìn nhận đa chiều phá vỡ lăng kính một màu

Tư duy ngược: Đặt dấu hỏi cho những điều hiển nhiên

Tư duy ngược có thể mang lại những khám phá bất ngờ và sâu sắc khi đặt vào các tác phẩm văn học hay vấn đề nghị luận.

  • Chất vấn những diễn giải quen thuộc: Tại sao chúng ta luôn coi nhân vật A là tốt, nhân vật B là xấu? Liệu có một cách nhìn khác về hành động của họ không? Những yếu tố nào đã tác động đến quyết định của họ?
  • Tìm kiếm những “lỗ hổng” trong lập luận: Liệu thông điệp mà tác giả muốn truyền tải có thực sự thuyết phục trong mọi hoàn cảnh? Những hệ quả không mong muốn nào có thể xảy ra từ những lý tưởng được đề cao trong tác phẩm?
  • Đề xuất những cách hiểu mới, độc đáo: Dựa trên những phân tích đa chiều và những câu hỏi ngược, chúng ta có thể đưa ra những diễn giải mới mẻ, thậm chí đi ngược lại với những quan điểm truyền thống.

Ví dụ: Khi nghị luận về hình tượng Chí Phèo của Nam Cao, thay vì chỉ tập trung vào sự tha hóa và bi kịch của một người nông dân bị xã hội đẩy vào con đường lưu manh, tư duy ngược có thể đặt ra câu hỏi: Liệu trong sâu thẳm con người Chí Phèo có còn sót lại chút nhân tính nào không? Những hành động “ác” của hắn có phải là tiếng kêu cứu tuyệt vọng?

Để lại dấu ấn cá nhân khi bình phẩm vấn đề văn học

“Bình luận, bàn về, nêu quan điểm…” đó là từ khóa của đề bài yêu cầu. Và chúng ta có quyền để lại dấu ấn cá nhân khi bàn về vấn đề được yêu cầu đó. Hãy dùng trải nghiệm, kinh nghiệm, góc nhìn của mình để nêu quan điểm. Giữa tràn lan những bài thi, việc một tác phẩm bình luận có điểm sáng cá nhân sẽ là điểm cộng để bạn được chú ý tới. 

Để lại dấu ấn cá nhân khi bình phẩm văn học

Để lại dấu ấn cá nhân khi bình phẩm văn học

Tạo dựng “kho tàng” ngôn ngữ và dữ kiện riêng 

Những trích dẫn văn học, các dẫn chứng nghị luận xã hội phổ biến đã được dùng rất nhiều. Việc lặp đi lặp lại các dẫn chứng đó chắc chắn không thể khiến bài viết của bạn nổi bật so với các thí sinh khác khi tham gia bất cứ kỳ thi nào. 

Vì thế, hãy xây dựng một thư viện dữ kiện cho riêng mình. Thư viện đó bao gồm: các trích dẫn lý luận văn học hay, các dẫn chứng hình tượng văn học cụ thể. Và những dữ liệu này tìm ở đâu? Câu trả lời nằm trong các tác phẩm ngoài chương trình, trong các kho dữ liệu, bài viết, bài bình phẩm về văn học, về tác giả, tác phẩm. 

Và chỉ có một cách thôi đó là đọc và take note lại. Việc sử dụng được những trích dẫn độc lạ cũng là cách thể hiện cho giám khảo nhận thấy sức đọc, sự hiểu biết sâu rộng của bạn. Và đương nhiên đây là điểm cộng lớn cho bài thi học sinh giỏi văn. 

——————————–

Ở các bài viết tiếp theo, mình sẽ tổng hợp thêm, chia sẻ thêm về bí quyết học, cách take note trích dẫn hay và ghi nhớ hiệu quả nhé!

Bài viết nên đọc

Leave a Comment